Một bản đồ đi vào thế giới kì quái của Edgar Allan Poe
Đọc ông hoàng Edgar Poe ở Việt Nam không hề dễ dàng, ở đây chúng tôi có một tấm bản đồ
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thử thách lớn nhất, có lẽ của đại đa số độc giả Việt Nam, khi tiếp nhận Edgar Poe, là một cảm giác phi lý.
Edgar Poe là một nhà văn rất lớn, cỡ thần tượng của ngay cả Baudelaire, Valery, Victor Hugo hay Nguyễn Tuân… Nhưng tại sao không dễ đọc Edgar Poe? Bởi nếu chỉ đọc lướt, độc giả sẽ cảm thấy khó mà theo dõi được cốt truyện, dễ bị văn phong du dương và ma quái của Poe dẫn ra khỏi tâm điểm.
Chưa kể, việc hiểu Edgar Poe cũng đòi hỏi những trải nghiệm nhất định với văn học lãng mạn của thế kỷ trước đó.
Nhìn chung, sẽ khó mà đọc Edgar Poe một cách toàn vẹn nếu cứ cố gắng đi tìm nỗi sợ của truyện kinh dị…
Nhất là khi Edgar Poe cũng đi kèm với các loại danh hiệu ông hoàng, có vẻ như các độc giả của rất thích những ông hoàng. Tuy nhiên, cần nhìn thật chính xác bản chất của những vương miện và ngai vàng ấy. Tại sao họ khác biệt? Và sáng tạo của họ đã đóng góp cho đời sống của chúng ta những gì?
Cho nên, trong bài viết này, chúng tôi sẽ - cố gắng không đi vòng quá xa - mà tỉa một vài nét cốt lõi để bước đầu đi vào tập truyện của Edgar Poe. Trong đây đã có sẵn tất cả các con đường mà Edgar Poe đã đi.
POE & THẾ KỶ CŨ
Edgar Allan Poe không phải chỉ là ông hoàng kinh dị - những danh xưng tầm phào ấy. Ông là người đề xuất mọi thứ. Trước hết, xem Edgar Poe đứng đâu trong lịch sử của chúng ta.
Thế kỷ 19 là một sự chuẩn bị, một khối tích tụ những ý tưởng, hành động ngấm ngầm, để cho những bùng nổ của thế kỷ 20 (gồm cả chiến tranh) và bây giờ (gồm cả công nghệ). Nhưng chỉ sau khi người ta nhìn lại mới thấy hết. Thế kỷ 19 đóng vai trò như một trực giác, tất cả đều chưa vào đề, những bộ óc cần mẫn và thầm lặng nhất đã khởi phát ý tưởng và linh cảm được tương lai.
Ở thế kỷ đó, chúng ta có rất nhiều người khổng lồ: Marx, Nietzche, Van Gogh, Tolstoy, Charles Dickens, Marie Curie, Freud, Carl Jung, Einstein… Và Edgar Allan Poe (sinh năm 1809) xuất hiện sớm ngay thập niên đầu tiên và trở thành nhà tiên tri cho thế kỷ.
Thế kỷ 18 - tức là giai đoạn trước đó, Thời kỳ Khai sáng (The Enlightenment), là một thời kỳ đột phá về tri thức và tư tưởng ở châu Âu. Người ta bắt đầu đặt câu hỏi sâu sắc về bản chất của xã hội, quyền lực và kiến thức. Năm nhân vật chính ở đây: Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, Immanuel Kant, John Locke và Montesquieu xây dựng hệ thống tư duy về tự do cá nhân, dân chủ, và bình đẳng. Chính những câu hỏi về bản chất con người, tự do, và xã hội mà các nhà tư tưởng thế kỷ 18 nêu lên đã trở thành động lực và nguồn cảm hứng cho nhiều biến đổi ở thế kỷ 19.
Trong số những người đi trả lời các vấn đề của thế kỷ 18 và đặt ra ý tưởng cho thời chúng ta bây giờ, Edgar Poe thuộc thế hệ F0. Poe mở rộng những câu hỏi về cái chết và nỗi ám ảnh bằng cách biến chúng thành các yếu tố trung tâm trong nhiều tác phẩm văn xuôi. Điều này trước Poe không có ai làm.
Nhưng, đã như thế, E. Poe lại còn đề xuất cho nhân loại những cảm giác mới: (1) trong thời kỳ tiếp theo, lý trí sẽ dẫn dắt (tức là khoa học, cả khoa học xã hội và khoa học tự nhiên sẽ là tương lai) và (2) trong thời kỳ tiếp theo, con người chính là vấn đề với chính họ.
Bây giờ ta đang tận hưởng những tiên đoán của Edgar Poe.
Hướng tiếp cận thứ nhất: POE & TRINH THÁM
Edgar Poe đã cho ra đời những truyện trinh thám Phương Tây đầu tiên. Nhưng trước hết, cần giải quyết câu hỏi: tại sao ở Âu - Mỹ, trước Thế kỷ 19, lại không có tiểu thuyết trinh thám? Lý do nằm ở hai thứ sau đây: hệ thống tư pháp và báo chí.
Trước thế kỷ 19, các hệ thống cảnh sát và tư pháp vẫn còn sơ khai hoặc chưa tồn tại ở nhiều nơi. Khi các lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp được thành lập vào đầu thế kỷ 19 ở các nước như Pháp và Anh - cùng thời với những xã hội công nghiệp, vai trò của các thám tử mới trở nên phổ biến. Câu chuyện về một thám tử hay điều tra viên có khả năng phá án trở nên hấp dẫn khi hình ảnh người thi hành công lý trở thành một phần của đời sống xã hội. Công chúng đọc báo, bắt đầu quan tâm đến các vụ án và câu chuyện về tội phạm, mở đường cho các tác giả khai thác chủ đề này trong văn học.
Ngay từ tác phẩm đầu tiên, Edgar Poe đã có gần như tất cả các ngả đường của tiểu thuyết trinh thám sau này, với thám tử Dupin: Dupin, tồn tại một triết lý, một nghiệp vụ và một cách nhìn nhận tâm lý học tội phạm.
Như vậy ta có Nhóm các truyện ngắn đầu tiên để đi vào thế giới Edgar Poe. Ấy là bộ ba truyện ngắn The Murders in the Rue Morgue (1841) (Vụ án mạng phố Morgue), sau đó là The Mystery of Marie Rogêt (1842) (Vụ án bí ẩn Marie Roget) và The Purloined Letter (1844) (Lá thư bị đánh cắp). Xung quanh bộ ba này, là, The Gold Bug (con bọ vàng), mở màn tuyển tập Sự sụp đổ của nhà Usher.
The Murders in the Rue Morgue (1841) (Vụ án mạng phố Morgue) gần như là tác phẩm trinh thám phương Tây đầu tiên. Truyện này có những gì? Ta có một phòng kín, có một vụ giết người mà dư luận chưa từng chứng kiến bao giờ, và có sự chệch hướng của thường nghiệm từ cảnh sát. Một vụ án đẫm máu tàn bạo với hai nạn nhân, và chứa trong nó tất cả những gì khó hiểu nhất: thủ phạm không có động cơ rõ ràng, gần như tuyệt đối không có lối tẩu thoát khỏi phòng kín. Qua đó, những kinh nghiệm của giới cảnh sát không còn dùng được.
Đoạn miêu tả ấn tượng về thám tử Dupin
Nhưng quan trọng hơn, Poe đã tạo ra nhân vật thám tử đầu tiên trong văn học, C. Auguste Dupin, một người đàn ông thông minh lập dị, có khả năng quan sát và phân tích vượt trội. Dupin là nguyên mẫu của các thám tử sau này như Sherlock Holmes của Arthur Conan Doyle hay Hercule Poirot của Agatha Christie.
Nhưng đoạn đầu của truyện mới quan trọng, nó trình bày quan điểm của Poe về của trí tuệ phá án. Poe nhấn mạnh vào bản chất bí ẩn của khả năng phân tích:
“Giữa trí óc thiên tài và khả năng phân tích tồn tại một khác biệt lớn hơn nhiều so với giữa mơ mộng viển vông và trí tưởng tượng”.
Dường như với Poe, trí tuệ phá án là hệ quả của trực giác, nó thậm chí rất ít liên quan đến thiên tài (theo Poe, có lẽ, các thiên tài thường thiên về tưởng tượng hơn). Sự suy luận không đặt trọng tâm vào những tiểu tiết ly kỳ mà luôn từ tổng thể: ‘Khi suy nghĩ sâu sắc quá mức, chúng ta sẽ khiến tư duy của mình rối loạn”. Nghĩa là Edgar Poe
Di sản của Edgar Poe một phần đi vào Conan Doyle, phần khác đi đến Noir thế kỷ 20, một phần còn lại thì tan thành tro bụi, nhưng vẫn tản mác trong các tác phẩm của thời nay. Về điều này, cần bàn thêm ở một post khác.
Hướng tiếp cận thứ hai: Poe & Gothic
Ở Edgar Poe, tồn tại hai yếu tố của những nhà văn vĩ đại: (1) luôn luôn đọc được tinh thần và tính cách rất mạnh, qua những con chữ và (2) văn chương luôn có độ rộng, tức là không chỉ chăm chăm kể câu chuyện, mà còn tạo ra các không gian.
Truyện Gothic là một thể loại văn học xuất hiện từ thế kỷ 18, nổi bật với các yếu tố kinh dị, huyền bí, và tâm lý ám ảnh. Thể loại này khai thác những nỗi sợ sâu thẳm, nỗi cô đơn, và sự đối mặt với những điều vượt ngoài tầm kiểm soát của con người. Truyện Gothic thường kết hợp giữa các yếu tố lãng mạn và kinh dị, tạo nên không gian u ám và bất an.
Truyện Gothic là một Poe luôn hoài nghi và sắc sảo về xã hội và con người. Ông thường chỉ trích những chuẩn mực đạo đức xã hội đương thời, ngay khi chưa có phân tâm học
Nhân vật trong các tác phẩm của Poe thường bị cô lập về mặt thể xác và tinh thần. Họ thường sống một mình trong những không gian khép kín. Cảm giác cô lập và tuyệt vọng là yếu tố quan trọng trong không gian Gothic của Poe, khiến người đọc cảm nhận được nỗi cô đơn sâu sắc và những ám ảnh về sự diệt vong. Sự cô lập có chủ đích, là bất lực của con người không phải trước thiên nhiên, mà trước dĩ vãng.
Thực tế, với độc giả Phương Đông thì đọc văn học Gothic thế kỷ 19 là một trải nghiệm không mấy gần gũi. Ta hãy hình dung, người đọc Phương Tây khi đọc Poe sẽ có được cảm giác như chúng ta khi xem một đoạn trong truyện truyền kỳ của Nguyễn Tuân
Đặt cạnh nhau: Tâm Sự của nước độc - Sự sụp đổ của nhà Usher
Edgar Poe không phải là người đầu tiên sử dụng các yếu tố siêu nhiên và kỳ bí để làm tăng cường sự rùng rợn, nhưng chúng thường được xây dựng một cách tinh tế, không lộ liễu. Văn chương của Poe tạo ra một cảm giác khó thở nhất định vì dày đặc hình ảnh và liên tưởng. Poe để cho cảnh vật tự lên tiếng. Poe thường để người đọc tự quyết định xem các yếu tố đó là thật hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, như trong The Black Cat và The Raven.
Hướng tiếp cận thứ ba: Poe & Tương lai
Jules Verne, thường được xem là ông hoàng đầu tiên của khoa học viễn tưởng, đã nhiều lần thừa nhận ảnh hưởng của Poe đối với sự nghiệp sáng tác của mình. Verne từng nói rằng ông chịu ảnh hưởng rất lớn từ Poe, đặc biệt là trong cách kết hợp yếu tố khoa học vào tác phẩm. Truyện ngắn The Narrative of Arthur Gordon Pym of Nantucket của Poe là nguồn cảm hứng cho tiểu thuyết An Antarctic Mystery của Verne.
Nhưng tại sao? Những gì Poe viết không hẳn là Sci-fi (Khoa học viễn tưởng) với tất cả nghĩa của từ này, mà đơn giản là những truyện ngắn mang tính luận đề về giá trị của tương lai khoa học. Vậy là trong lĩnh vực này, Edgar Poe cũng là nhà tiên tri.
Một đoạn trong Melonta Tauta
Tương tự trinh thám, với những nhóm truyện này, Edgar Poe cũng có một thái độ rõ rệt, về tính chất vọng tưởng và hư vô của tương lai. Dưới đây là nhóm các truyện ngắn của hướng này:
"The Unparalleled Adventure of One Hans Pfaall" (Cuộc phiêu lưu kỳ thú của Pfall): Truyện này kể về hành trình của một nhân vật tên là Hans Pfaall, người đã chế tạo một khinh khí cầu để bay lên mặt trăng. Poe đã sử dụng các mô tả khoa học chi tiết và những tưởng tượng sáng tạo về du hành không gian, một khái niệm rất táo bạo vào thời đại ông. Dù mang màu sắc hài hước và kỳ quái, câu chuyện này có nhiều chi tiết đáng chú ý liên quan đến việc bay ra ngoài không gian – một ý tưởng chưa từng có trước đó và sau này trở thành trọng tâm của khoa học viễn tưởng.
"Mellonta Tauta" : Nhân vật ở một tương lai xa (vào năm 2848) và nhìn lại xã hội thế kỷ 19 với một góc nhìn phê phán. Câu chuyện này có yếu tố viễn tưởng rõ rệt, với ý tưởng tiên phong về du hành trong thời gian và cái nhìn từ một tương lai xa. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên thể hiện cách nhìn từ tương lai để phê phán xã hội đương thời, một yếu tố thường thấy trong khoa học viễn tưởng sau này.
"The Facts in the Case of M. Valdemar" (1845) - Sự thật trong câu chuyện về Valdemar - Truyện được xuất bản vào năm 1845 và kể về thí nghiệm thôi miên với một người đang cận kề cái chết, khám phá các giới hạn của khoa học và ý thức.
—-
Như vậy, một cách cơ bản nhất, chúng ta đã có một tấm bản đồ nhỏ để đi vào thế giới của Edgar Poe.
—-
Tác giả được nhắc đến
Edgar Allan Poe (1809-1849)
Nhà văn, nhà thơ, và nhà phê bình văn học người Mỹ, được coi là cha đẻ của truyện trinh thám và một trong những bậc thầy của thể loại Gothic. Các tác phẩm nổi bật như The Raven, The Fall of the House of Usher, và The Tell-Tale Heart đã đưa Poe trở thành biểu tượng của văn học kinh dị và ám ảnh tâm lý. Ông nổi tiếng với việc khám phá nỗi sợ hãi nội tâm và những ám ảnh tinh thần, để lại dấu ấn sâu sắc trong văn học Mỹ và thế giới.
Tác phẩm được nhắc đến trong bài
Tập truyện Sự sụp đổ của nhà Usher, NXB Văn Học & Phúc Minh Books, 2023