Leopardi - bản chất người
Chẳng bao giờ trong óc anh ta nảy ra cái ý rằng nghe lời thông báo hạnh phúc của anh ta, khuôn mặt những người quen thuộc của anh ta sẽ khép chặt lại và dài thuẫn ra.
XXV
Người ta chỉ lố bịch khi họ muốn tỏ ra mình là những gì họ không phải, vốn dĩ. Chừng nào họ vừa lòng với việc tỏ ra là chính họ và giữ mình ở trong những giới hạn mà điều kiện của họ quy định, thì người nghèo, kẻ dốt, nông dân, ông già và bệnh nhân chẳng bao giờ lố bịch; họ trở nên lố bịch vào lúc ông già muốn tỏ ra mình trẻ, bệnh nhân muốn khỏe mạnh, kẻ nghèo, người giàu, và tên dốt muốn đóng vai nhà thông thái hoặc thằng nhà quê ra vẻ thành thị. Méo mó về thể chất nào đó, dấu tệ hại đến đâu, chỉ tạo ra một nụ cười thoáng qua nếu người mắc phải nó không ra công mà giấu tiệt nó đi. Các khiếm khuyết của chúng ta không lố bịch, mà cái thói của chúng ta, cứ lo sao che giấu chúng và vờ là mình không dính phải chúng, mới lố bịch.
Nếu, nhằm được yêu quý nhiều hơn, người ta giả dối mình có một tính cách khác với tính cách vốn có, thì người ta phạm phải một sai lầm nặng. Quả thật người ta sẽ không thể duy trì thật lâu một nỗ lực như vậy mà nó không bị lộ ra trong mắt tất tật và cùng lúc khiến cho rành rành đối lập giữa tính cách vờ và tính cách thật; tính cách thật mới chính là thứ mà ngay khi ấy người ta không ngừng nhận thấy, và người kia còn trở nên đáng ghét hơn so với lẽ ra có thế nào anh ta cứ thế nấy.
Ảnh: Tượng Giacomo Leopardi, Recanati, Nước Ý
————
XXI
Trong trò chuyện, chúng ta chỉ cảm thấy được sự sung sướng mạnh và lâu dài trong chừng mực chúng ta có thể nói về chúng ta, về những gì khiến chúng ta quan tâm hoặc động chạm tới chúng ta theo cách nào đó. Mọi chủ đề khác rốt cuộc đều nhanh chóng làm chúng ta thấy mệt. Nhưng những gì đối với chúng ta khoan khoái đến vậy lại là một cực hình chết người đối với cử tọa của chúng ta. Chính vì thế danh hiệu con người đáng mến chỉ có được với cái giá là cả nghìn đau đớn, bởi đáng mến, trong trò chuyện, ấy là hy sinh mình cho lòng tự ái của kẻ khác. Thoạt tiên, một trò qua thời gian thuộc hàng nhàm chán hơn cả, cần phải lắng nghe thật nhiều và im lặng thật nhiều, rồi để cho những người khác nói về bản thân cùng các sự vụ của bọn họ như bọn họ muốn, hay nói đúng hơn khích lệ bọn họ trong dạng tranh luận đó bằng cách tự mình đề cập trước chủ đề khiến họ bận trí; toàn bộ những cái đó là để rốt cuộc bọn họ chia tay ta đầy hứng khởi về chính mình, để lại ta đầy bực bội sau khi có họ ở bên. Nhìn chung xã hội tốt đẹp nhất sẽ luôn luôn là xã hội mà người ta đi khỏi, cảm thấy hài lòng hết mức về bản thân, mà người ta để lại mọi mối hận cho chúng ta
——
XCI
Nếu người ta muốn tiến dẫn mi vào thế giới, để sự giới thiệu có hiệu lực, mi sẽ cần để sang một bên những phẩm chất chân thực nhất và cá nhân nhất của mi, chỉ dựa vào các lợi thế bên ngoài và ngẫu nhĩ hơn cả của mi. Nếu mi cao lớn và khỏe, hãy tán dương sự cao lớn và sức mạnh của mi; nếu mi giàu, hãy tán dương sự giàu có của mi; nếu mi chỉ là quý tộc thôi, thì hãy tán dương sự quý tộc của mi, nhưng không bao giờ là sự lớn lao về tâm hồn của mi, lòng can đảm của mi, sự trung thực của mi, sự nhạy cảm của mi, cũng như chẳng gì trong số những thứ tương tự, kể cả khi mi được hưởng ở mức độ cao nhất những phẩm chất ấy. Và nếu mi là một tác giả, mà một cuốn sách nào đó đã làm cho trở nên nổi tiếng, đừng bao giờ nhắc đến quãng tính hiểu biết của mi, độ sâu tinh thần của mi, sự chói lợi thiên tài của mi, dẫu nó có trác tuyệt đến đâu; hãy chỉ nhắc rằng mi nổi tiếng; bởi, điều này tôi từng nói, tài sản là thứ duy nhất được trọng vọng ở chỗ những con người, chứ không phải giá trị.
—
XCVI
Con người trung thực, theo năm tháng, dễ dàng trở nên vô cảm với những lời ngợi ca và với các vinh dự, nhưng không bao giờ, dường như vậy, vô cảm được với sự chê trách hay khinh bỉ. Và thậm chí, ngợi ca và trọng thị của nhiều người xuất chúng sẽ chẳng hề an ủi được anh ta khỏi một cử chỉ hay một lời nói coi thường nhận về từ một kẻ chẳng đáng gì. Có lẽ điều ngược lại xảy tới với đám tội phạm, lũ người đã quá quen với các chê trách chứ không quen với những ngợi ca đúng nghĩa, chúng sẽ vô cảm với chê trách nhưng lại cảm động với ngợi ca, nếu như một ngày nào đó chúng được hưởng cái đó.
—
XXVI
Vào cái ngày một cú đánh nào đó giáng xuống, nhất là khi anh ta không cảm thấy mình có trách nhiệm, con người thiếu kinh nghiệm, và cũng rất thường xuyên cả con người có sở nghiệm nữa, đợi từ bạn bè, người thân của mình và từ những con người nói chung, lòng thương xót cùng sự khích lệ và, thậm chí còn chưa nói gì tới một sự ủng hộ, trông chờ mình sẽ có được nhiều tôn trọng và trìu mến hơn so với trước. Anh ta ở cách cả trăm dặm cái chỗ nghĩ rằng do nỗi đen đủi của mình anh ta bị coi như là không xứng với xã hội, rằng trong mắt thế giới anh ta bị xem là thủ phạm của một trò bất lương nào đó và anh ta đã bị thất sủng nơi bạn bè mình, bọn họ, sốt sắng bỏ chạy mất, từ xa nếm hưởng bất hạnh của anh ta và cười nhạo anh ta.
Cũng thế, nếu may mắn mỉm cười với anh ta, ý nghĩ đầu tiên của anh ta sẽ là chia sẻ niềm vui với bạn bè mình, có lẽ vì nghĩ họ sẽ còn sung sướng về điều đó hơn cả chính anh ta. Chẳng bao giờ trong óc anh ta nảy ra cái ý rằng nghe lời thông báo hạnh phúc của anh ta, khuôn mặt những người quen thuộc của anh ta sẽ khép chặt lại và dài thuẫn ra. Quả thật, lúc đầu nhiều người sẽ cố không tin vào chuyện đó, rồi làm giảm bớt giá trị của cái tin trong mắt chính họ và trong mắt những người khác; ở một số người tình bạn sẽ trở nên nhạt nhẽo, ở một số người khác, nó sẽ biến thành lòng căm ghét; và thậm chí sẽ có kha khá kẻ làm đủ mọi cách để thứ tài sản mới kia tuột đi mất khỏi anh ta.
Trích văn từ cuốn “Nghĩ” - Leopardi, Cao Việt Dũng dịch, NXB Dân Trí 2024
Giacomo Leopardi (1798–1837) là một trong những nhà thơ, triết gia và nhà văn quan trọng nhất của Ý trong thế kỷ 19. Ông được biết đến rộng rãi vì những tác phẩm văn học sâu sắc, phản ánh tâm trạng bi quan và suy tư triết học về cuộc sống, sự tồn tại và thiên nhiên.