Networking #3: Phân loại các mối quan hệ
Networking thường xem trọng mở rộng chiều ngang lẫn đi vào chiều sâu của các mối quan hệ, cùng lúc đi cả hai hướng, nên xếp đúng là yếu tố then chốt.
Khi xem phim khiêu dâm, đa phần người ta quan tâm đến diễn viên sẽ mặc gì chứ không phải trông như thế nào khi nude (đặc biệt phụ nữ nếu có va chạm với phim đen còn để ý điều này hơn đàn ông rất nhiều). Điều này thoạt nhìn giống như một nghịch lý, nhưng đó là chính là bản chất, phim đen sẽ không thực sự là chính nó nếu không chú ý đến phục trang, chuẩn bị cho người ta một tinh thần đúng chỗ để đi đến nhục cảm. Đó là nguyên tắc. Và mọi thứ trên đời cũng vậy, rất nhiều khi cái thật sự là cốt lõi thì lại không phải là trung tâm, mà trung tâm lại là thứ đối ngược với nó.
Khi làm bất cứ một công việc gì, người ta thường không chú ý đến âm bản của nó, mà cứ phăng phăng lao vào cái nó hiện hình. Chẳng hạn, khi làm truyền thông, người ta cứ lao vào mãi việc thông điệp là gì, TA là gì... Nhưng lại không hề quan tâm một chút nào đến lĩnh vực ngược lại của truyền thông: đó là lĩnh vực im lặng, lĩnh vực của sự không nói gì, không truyền đạt gì, của sự vắng mặt hoàn toàn những thông điệp áp đặt; đó là lĩnh vực lắng nghe ở chiều ngược lại. Một ví dụ khác, thường khi nói về một ai đó, ta không quan tâm đến cái bóng của họ. Lời nói của ta về anh A, anh B, chị C thường chỉ gồm cái tên, hình ảnh, chứ không bao giờ gồm bóng của họ
Hãy nhìn cái bóng của mọi người...
Cái bóng, cái âm bản, những quãng thứ của cuộc đời có tầm quan trọng tương đương với những gì bạn thấy. Sự giao cảm của con người trong các lĩnh vực, không chỉ gồm mỗi những cái gì ta thấy trên bề mặt, mà còn nằm lảng bảng ở đâu đó, trong những thứ không đếm xỉa đến: sự nhẫn nại, lắng nghe, sự nhận quà, sự đón nhận một giúp đỡ, coi những ân huệ như bình thường...
Ta có một câu thơ như sau:
"Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm
Khi mê tâm chỉ là tâm
Ngộ rồi mới biết trong tâm có tiền" (Nguyễn Bảo Sinh)
Mào đầu một chút để bắt đầu bài viết này.
Series đã gồm các bài:
Bài tiếp theo:
Sáng tạo trong các mối quan hệ
Nguyên tắc
Ở hai bài trước, chúng ta đã xây dựng được khái niệm Networking, dựa trên việc xô đổ một số hiểu lầm căn bản, cũng như nhìn nhận Networking như một lĩnh vực của đời sống, công việc.
Như đã nói ở các bài trước, cách tiếp cận vồ vập và quá thực dụng khi đến với chủ đề Networking là một di sản xấu khủng khiếp của sách self-help phương Tây. Một mạng lưới mối quan hệ lành mạnh, đặt đúng chỗ, đòi hỏi nhiều nỗ lực, niềm tin và một tinh thần khoẻ mạnh.
Do networking không phải là customer care cũng không phải là quản trị nhân sự, nên nhất thiết phải nhắc lại: cách tiếp cận đề tài này thì bắt buộc dựa trên lĩnh vực tinh thần, tức là sự giao cảm, năng lượng và trải nghiệm.
Vì thế trong bài này, chúng ta phân biệt các nhóm quan hệ chỉ bằng khoảng cách và cự ly trong lòng con người với con người mà thôi.
Tại sao phải phân loại các mối quan hệ?
Trước hết, để không bị nhầm. Cái sai cơ bản nhưng luôn lặp đi lặp lại đó là nhầm lẫn về mức độ tình cảm. Có những người sơ giao nhưng ta coi là bạn tri kỷ, cũng có những người tương đối không thiện cảm với mình, nhưng mình ngược lại, lại muốn chơi với họ.
Thứ hai, để nhìn thấy có những người ta không phân loại được hẳn vào nhóm nào, và nhóm này sẽ xếp vào một mục riêng. Và phần này sẽ được nói kỹ ở đoạn cuối của bài viết.
Thứ ba, để tìm những phương án gọn gàng và tối ưu nhất để quản lý các mối quan hệ này.
Có những người khá cực đoan trong quan hệ xã hội: chẳng hạn ở lĩnh vực bè bạn, họ thường thích ít bạn thì hơn nhiều bạn. Nhưng vấn đề là ít hay nhiều đều không quan trọng bằng việc xếp đúng chỗ. Networking thường xem trọng mở rộng chiều ngang lẫn đi vào chiều sâu của các mối quan hệ, cùng lúc đi cả hai hướng, nên xếp đúng là yếu tố then chốt.
Các nhóm mối quan hệ dựa trên tinh thần
1. Nhóm Tri Kỷ
Khái niệm: Nhóm tri kỷ là những mối quan hệ sâu sắc và gắn bó nhất về mặt tinh thần, vượt trên cả vai trò xã hội thông thường. Tri kỷ có thể là người thân, bạn bè lâu năm, hoặc một người đặc biệt mà ta hoàn toàn tin tưởng và đồng cảm. Tri kỷ thậm chí có thể là cha, mẹ chúng ta, nếu bạn dám. Nhưng tri kỷ không phải là rất hiểu nhau, tôi không nghĩ trên đời này có ai hiểu nhau hoàn toàn, thậm chí một phần. Như thế là nhầm lẫn rất lớn. Tri kỷ là những người soi chiếu được bản thân họ ở trong nhau, trong gương mặt tôi có gương mặt của anh, trong tâm can của anh có phần khuyết thiếu ở tâm can của tôi. Sự soi chiếu đó còn phải mang lại cảm giác hạnh phúc, bù đắp. Điều đó có lúc là do trực giác, nhưng thường là kèm theo cả một quá trình, một thời gian dài đồng hành trên một lĩnh vực tinh thần nào đó (thậm chí có thể là lĩnh vực hoàn toàn vớ vẩn... không quan trọng, miễn là cảm thấy gắn bó và vui vẻ).
Điểm mạnh: Mang lại cảm giác an toàn và sự hỗ trợ vô điều kiện. Những người tri kỷ thường là điểm tựa trong những thời điểm khó khăn nhất, giúp chúng ta phát triển cá nhân và vượt qua thử thách.
Điểm yếu: Sự phụ thuộc cảm xúc có thể là một vấn đề nếu thiếu sự cân bằng. Nếu lòng tin bị phá vỡ, việc phục hồi sẽ rất khó khăn và để lại tổn thương sâu sắc. Hơn nữa, mối quan hệ này không nhất thiết dựa trên việc giúp đỡ về mặt vật chất. Như một lầm tưởng của anh em giang hồ là lúc hoạn nạn mới biết ai là bạn, điều đó sẽ đúng với nhóm Bạn bè ở dưới đây hơn. Vì thế, sự giúp đỡ về vật chất tương đối là một điều nhạy cảm trong mối quan hệ vốn có nền tảng là tinh thần như thế này.
Cách chăm sóc: Để chăm sóc mối quan hệ tri kỷ, bạn phải chăm sóc bản thân bạn trước. Thường xuyên lắng nghe, chia sẻ, và thể hiện sự quan tâm chân thành. Hãy cho nhau không gian để phát triển cá nhân và luôn ở bên khi cần. Các hành động nhỏ nhưng ý nghĩa như hỏi thăm đúng lúc sẽ củng cố mối liên kết này.
2. Nhóm Bạn Bè – Người Thân
Khái niệm: Đây là nhóm bao gồm bạn bè và người thân có chung một trải nghiệm trong một giai đoạn, một lĩnh vực cụ thể, đã biết được cái hay và cái dở của nhau, một cách chủ quan. Mối quan hệ này mang tính chân thành, không vụ lợi, và thường hỗ trợ lẫn nhau về tinh thần và vật chất (nếu có thể). Những người thân trong gia đình cũng có thể nằm trong nhóm này nếu họ không đạt tới mức độ tri kỷ.
Điểm mạnh: Mang lại sự gắn bó xã hội và tinh thần hỗ trợ, giúp ta duy trì sự ổn định trong cuộc sống thông qua các hoạt động chung.
Điểm yếu: Có thể xa cách nếu không được quan tâm thường xuyên. Mức độ tình cảm chưa đủ sâu sắc dễ dẫn đến hiểu lầm hoặc sự thiếu thông cảm trong một số tình huống nhạy cảm. Thông thường, bạn bè đều biết điểm yếu điểm mạnh của nhau, nhưng lại không biết hết, nên khó đi được đến những dự án hoặc những kế hoạch to lớn, có tính chất hoài bão. Hoặc là đánh giá nhau quá cao, hoặc lại đánh giá nhau quá thiên lệch.
Nhiệm vụ: Giữ. Bạn nghĩ là nhiệm vụ sẽ phải là chuyển nhóm này lên tri kỷ ư? Không phải, sai lầm nghiêm trọng của mọi người là đều muốn biến bạn bè thành tri kỷ, tấm áo vừa rộng với mình, vừa hẹp với họ, rất không cần thiết. Với bạn bè, chỉ cần giữ thôi. Không chỉ là giữ một mối quan hệ tốt đẹp, mà gồm luôn cả âm bản của nó, là giữ khoảng cách và cự ly vốn có. Điều này rất quan trọng: bởi vì thế này, bạn sẽ có gia đình, và họ cũng vậy. Không phải lúc nào vợ chồng của bạn cũng chấp nhận họ, và ngược lại. Sự giữ rất quan trọng và phải được làm theo nhịp, nhất quán từ đầu.
Cách chăm sóc: Duy trì liên lạc qua những hoạt động chung hoặc những dịp đặc biệt. Thể hiện sự quan tâm chân thật và tránh coi mối quan hệ này là điều hiển nhiên. Để phát triển mối quan hệ bạn bè, điều quan trọng là tiếp tục mở rộng mạng lưới các mối quan hệ, thông qua các điểm nút là bạn bè, vừa có lợi cho người bạn, vừa có ích cho không gian network của mình, điều này sẽ nói trong một entry khác. Rất nhiều bạn bè chỉ kết thúc ở một cafe và không bao giờ gặp lại, tức là ngoài mối quan hệ song phương, họ không tạo được thêm không gian xã giao nào khác.
3. Nhóm Sơ Giao
Khái niệm: Nhóm này gồm những người quen biết hời hợt, không đủ gắn bó để gọi là bạn thân, như đồng nghiệp, đối tác nhỏ, hoặc những người quen qua giới thiệu. Hoặc là những bạn bè đã lâu không có kết nối, và rớt hạng xuống nhóm này. Mối quan hệ này chủ yếu dựa trên giao tiếp xã hội cơ bản và thường phát triển từ bối cảnh công việc hoặc xã giao.
Điểm mạnh: Mở rộng mạng lưới quan hệ, tạo ra cơ hội phát triển trong công việc và học tập.
Điểm yếu: Dễ dàng mất đi nếu không được duy trì thường xuyên. Thiếu sự gắn kết cảm xúc sâu sắc có thể gây hiểu lầm hoặc khiến mối quan hệ trở nên hời hợt.
Nhiệm vụ: Chuyển những người phù hợp lên nhóm bạn bè
Cách chăm sóc: Lịch sự và tôn trọng trong giao tiếp. Tận dụng các cơ hội tương tác như sự kiện chung để hiểu rõ hơn về đối phương.
Ở nhóm này, cách nhanh nhất để tìm ra giao điểm, đó là lắng nghe họ: lắng nghe, công nhận và đồng cảm, đi đôi với việc hỏi thêm một vài thứ. Sau đó hãy trình bày bản thân mình, theo cách cá nhân và chân thành nhất.
4. Nhóm Không Ác Cảm
Khái niệm: Đây là những mối quan hệ chưa thực sự hình thành, bao gồm khách hàng online, người quen qua mạng xã hội, hoặc những người cùng cộng đồng nhưng không có tương tác thường xuyên. Đây là nhóm người mà chúng ta ít tiếp xúc nhất, thậm chí hoàn toàn có thể mù thông tin, hay hiểu sai họ. Nguyên tắc là đừng bao giờ hiểu một con người chỉ qua mạng xã hội (Xem Nhà tù vô hình của Facebook)
Điểm mạnh: Tiềm năng phát triển thành các mối quan hệ gắn bó hơn nếu có thêm cơ hội tương tác và xây dựng sự tin tưởng.
Nhiệm vụ: Biến một số thành nhóm sơ giao, hoặc nhóm cao hơn càng tốt
Điểm yếu: Thiếu sự tương tác trực tiếp và kết nối cảm xúc có thể khiến mối quan hệ nhanh chóng phai nhạt.
Cách chăm sóc: Tạo cơ hội cho các tương tác nhẹ nhàng, như gửi lời khen hoặc tham gia hoạt động cộng đồng chung. Tốt nhất hãy sắp xếp gặp mặt trực tiếp, nhưng phải có các công việc, lý do đủ mạnh. Ngay sau đó họ sẽ trở thành nhóm sơ giao. Đây cũng là nhóm thường xuyên là đối tượng của các sự kiện, conference, meetup... Hãy chuyển họ thành đối tượng của những lĩnh vực này
5. Nhóm Có Trục Trặc
Khái niệm: Những mối quan hệ này đã từng gắn bó nhưng đã gặp xung đột hoặc hiểu lầm, dẫn đến sự mất thiện cảm. Nguyên nhân có thể do trải nghiệm xấu trong quá khứ hoặc do khác biệt về quan điểm và lợi ích.
Điểm mạnh: Nếu được giải quyết khéo léo, mối quan hệ có thể được phục hồi và thậm chí trở nên bền chặt hơn. Thực ra nhóm này còn có một thế mạnh rất lớn: đó chính là bóng của bạn. Những người bạn không thích, không thích bạn... và đã thể hiện ra mặt, gây mất lòng, thực tế lại là một phần rất rõ ràng của con người bạn: họ là phần âm bản của bạn bè; vì thế, bạn bè quan trọng mức nào thì những người này cũng quan trọng đến mức đấy.
Điểm yếu: Mất lòng tin và thiện cảm khiến việc hàn gắn khó khăn. Một số người có thể chọn cách từ bỏ hơn là đối diện với xung đột.
Nhiệm vụ: Xử lý mối quan hệ, không để lại hậu quả. Mục tiêu thứ hai, mang tính chất hướng nội hơn, hãy tận dụng những mối quan hhệ này để soi chiếu bản thân
Cách chăm sóc: Tốt nhất, Đối thoại trực tiếp và thẳng thắn về vấn đề gặp phải, thể hiện thiện chí để giải quyết xung đột. Hãy kiên nhẫn và tạo không gian để đối phương bày tỏ cảm xúc.
6. Nhóm Đối Thủ, Kẻ Thù
Khái niệm: Đây là những mối quan hệ đã đổ vỡ hoàn toàn hoặc luôn trong tình trạng đối đầu, như đối thủ cạnh tranh hoặc kẻ thù. Những người này thường rơi vào nhóm này sau xung đột không thể giải quyết hoặc do cạnh tranh trực tiếp.
Điểm mạnh: Xung đột có thể thúc đẩy sự phát triển cá nhân và tạo động lực để hoàn thiện bản thân. Đôi khi, đối thủ có thể trở thành đồng minh nếu biết cách hóa giải xung đột.
Điểm yếu: Gây ra căng thẳng và áp lực tâm lý. Nếu không kiểm soát tốt, mâu thuẫn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ khác.
Cách chăm sóc: Duy trì ranh giới rõ ràng và tránh những đối đầu không cần thiết. Nếu có thể, hãy tìm điểm chung để giảm căng thẳng và xây dựng sự tôn trọng lẫn nhau.
Ta cần làm gì với các mối quan hệ?
Nguyên tắc của xây dựng network được tóm gọn trong 5 hoạt động:
Gạn lọc và không ngừng sắp xếp lại, vì tính chất các mối quan hệ sẽ biến đổi, co giãn theo năm tháng
Chăm sóc các mối quan hệ tri kỷ, bạn bè. Hướng các mối quan hệ trung tính đến các mối quan hệ tốt, một cách hoàn toàn chân thành
Biến đổi các mối quan hệ không ác cảm trở thành các mối quan hệ sơ giao, càng nhiều càng tốt
Xử lý các mối quan hệ đã có trục trặc
Kiểm soát được các mối quan hệ kẻ thù / đối thủ
Tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng có được đủ thời gian để làm tất cả những điều trên. Ta cần chú ý: network nghĩa là một mạng lưới, nghĩa là tất cả các nhóm quan hệ của chúng ta đều có khả năng tương tác lẫn nhau được, và đó là lúc ta có thể chuyển giao các mối quan hệ và tạo ra một cộng đồng xung quanh mình. Nhưng điều đó đòi hỏi một vài bước nữa, sẽ cùng tìm hiểu ở bài tiếp theo: Sáng tạo trong các mối quan hệ.
P.L