Giải pháp thế kỷ 18 cho kỷ nguyên của chúng ta
Các vấn đề mà nhân loại đang gặp phải không thực sự mới, mà là những vấn đề cơ bản về cách con người tự do tư tưởng, trao đổi thông tin và xây dựng xã hội bền vững đã có từ tận 300 năm trước
Bài trước liên quan: Giải trí đến chết
Neil Postman nói về chủ đề “các giải pháp thế kỷ 18 cho kỷ nguyên của chúng ta” trong cuốn sách “Building a Bridge to the 18th Century: How the Past Can Improve Our Future” (tạm dịch: “Bắc cầu đến Thế Kỷ 18: Cách quá khứ có thể cải thiện tương lai của nhân loại”). Đây là tác phẩm tiêu biểu trong việc Postman thảo luận về việc các giá trị và lý tưởng từ thời kỳ Khai sáng có thể được áp dụng để giải quyết các vấn đề hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh xã hội bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi công nghệ và truyền thông.
Những lý tưởng từ Thời kỳ Khai sáng (thế kỷ 18) có thể là nền tảng cho một xã hội phát triển bền vững trong thế giới hiện đại. Tác giả cho rằng những giá trị như tư duy phản biện, tự do ngôn luận, nhân quyền và sự tôn trọng khoa học thực ra đã vượt ra khỏi khuôn khổ của thế kỷ 18 và có tiềm năng trở thành những nguyên tắc vàng để đối phó với những vấn đề mà xã hội ngày nay vẫn đang phải đối diện.
Các vấn đề của nhân loại bây giờ, theo Postman, chưa bao giờ thực sự được giải quyết và chỉ trở nên phức tạp hơn bởi sự phát triển không ngừng của công nghệ và truyền thông đại chúng. Thực tế, thế giới phát triển lên chỉ là để con người tạm quên đi được vấn đề cốt lõi: chúng ta đã tự ru ngủ quá lâu.
Vấn đề về tự do suy nghĩ
Thời kỳ Khai sáng đã đem lại những bước tiến vượt bậc về quyền tự do ngôn luận và trao đổi tư tưởng. Đây là thời kỳ mà các nhà tư tưởng như John Locke và Jean-Jacques Rousseau đấu tranh cho quyền tự do cá nhân, quyền tự do biểu đạt và xây dựng một xã hội mở, nơi mọi ý kiến đều có thể được lắng nghe và phản biện.
Trong kỷ nguyên hiện đại, ngôn luận đang dần trở nên bị bóp méo, ngay cả ở những quốc gia suốt ngày ra rả điều đó. Dẫu cho công nghệ và truyền thông đã mở ra nhiều kênh thông tin hơn bao giờ hết, ông cho rằng sự tự do này thực chất đang bị thao túng bởi những lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị. Những thông tin sai lệch, tin tức giả mạo (fake news), và hiện tượng "buồng vang" (echo chamber) đã bóp méo bản chất của tự do ngôn luận, biến nó thành một công cụ tuyên truyền thay vì là một nền tảng cho sự trao đổi tư tưởng tự do và lành mạnh.
“Những gì chúng ta thấy hôm nay không phải là một sự phong phú của thông tin mang lại tự do, mà là một biển cả thông tin khiến chúng ta mù mờ và tê liệt.” — Neil Postman
Thời kỳ Khai sáng đã đề cao vai trò của khoa học và sự thật như những công cụ để tìm hiểu thế giới và thúc đẩy sự phát triển của nhân loại. Ban đầu thì ta làm như thế thật. Nhưng giờ đây trong kỷ nguyên hiện đại, khoa học và sự thật đã bị thương mại hóa và biến tướng, trở thành công cụ phục vụ cho lợi ích chính trị và kinh tế.
Ông cho rằng, thay vì dựa vào lý trí và khoa học để đưa ra các quyết định, con người đang bị dẫn dắt bởi những “sự thật” bịa đặt, những thông tin sai lệch và những thuyết âm mưu lan truyền trên Internet. Điều này dẫn đến một xã hội mà niềm tin vào khoa học và sự thật bị xói mòn, giống như cách mà con người thời kỳ trung cổ sống trong bóng tối của mê tín và giáo điều.
Thực ra điều này giờ mới được “ngấm” của thế hệ Z chúng ta ở Việt Nam. Thậm chí trong thời gian gần đây, bắt đầu có những loại tin tức mà chúng ta không biết là hàng thật hay là AI làm ra, tiêu biểu như vụ tìm thấy hàng nghìn chai dầu trong nhà Diddy, xoay quanh scandal của nhân vật nổi tiếng này ở giới giải trí Hoa Kỳ. Hoá ra là tin bịa của AI, mà truyền thông thế giới tranh luận như thật.
Vấn đề con người cá nhân trong cộng đồng
Thế kỷ 18 đặt nền móng cho việc công nhận nhân quyền và sự tôn trọng với nhân phẩm con người. Những lý tưởng này tạo ra nền tảng cho các hệ thống dân chủ hiện đại. Tuy nhiên, Postman lập luận rằng, trong thời đại hiện nay, với sự can thiệp quá mức của công nghệ, con người đang dần đánh mất sự tôn trọng với chính bản thân mình và những người xung quanh.
Công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ giám sát và thu thập dữ liệu, đang xâm phạm quyền riêng tư của con người một cách vô thức. Thay vì được tôn trọng như một cá thể độc lập, con người trở thành những sản phẩm của dữ liệu và bị thương mại hóa. Postman tin rằng quay trở lại với tinh thần của thế kỷ 18 về sự tôn trọng cá nhân là một giải pháp cần thiết để đối phó với vấn đề này.
“Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự riêng tư bị xem nhẹ và nhân quyền bị thương mại hóa, biến con người thành những con số trong hệ thống dữ liệu khổng lồ.” —
Neil Postman, Building a Bridge to the 18th Century
Các vấn đề mà nhân loại đang gặp phải không thực sự mới, mà là những vấn đề cơ bản về cách con người tự do tư tưởng, trao đổi thông tin và xây dựng xã hội bền vững đã có từ tận 300 năm trước. Công nghệ và truyền thông hiện đại không giúp giải quyết những vấn đề này mà chỉ làm chúng trở nên phức tạp hơn, khiến con người tạm lờ đi các vấn đề cốt lõi bằng những thông tin bề nổi và sự tiêu khiển vô tận.
Việc quay trở lại với những giá trị và lý tưởng của thế kỷ 18 như Postman đề xuất không có nghĩa là từ chối công nghệ, mà là sử dụng công nghệ một cách có chủ đích và có trách nhiệm. Xã hội cần đặt lại câu hỏi về mục đích và vai trò của công nghệ, và liệu chúng ta có đang dùng nó để thúc đẩy sự phát triển nhân loại hay chỉ để tiêu thụ và quên đi bản chất thực sự của tự do và sự thật.
Quay trở lại với tư duy phản biện và giáo dục của thế kỷ 18
Postman nhấn mạnh rằng hệ thống giáo dục hiện tại cần tập trung vào việc phát triển tư duy phản biện, thay vì chỉ đơn thuần dạy học sinh và sinh viên tiếp nhận kiến thức một cách thụ động. Giáo dục cần phải:
Khuyến khích học sinh đặt câu hỏi, thảo luận, và phản biện thay vì chỉ tiếp nhận thông tin từ một chiều.
Tập trung vào việc giảng dạy về lịch sử các tư tưởng, về tư duy khoa học, và triết học, để giúp học sinh hiểu sâu hơn về nguồn gốc của các ý tưởng và cách áp dụng chúng trong cuộc sống hiện đại.
Xây dựng các chương trình học nhằm nuôi dưỡng sự tò mò và khả năng tư duy sáng tạo thay vì chỉ đào tạo kỹ năng để phục vụ cho một nghề nghiệp cụ thể trong tương lai.
Postman tin rằng xã hội hiện đại cần nghi ngờ và phản biện lại vai trò của công nghệ trong cuộc sống thay vì chấp nhận nó một cách vô điều kiện. Ông không cho rằng công nghệ là điều xấu, nhưng nhấn mạnh rằng chúng ta cần:
Tự hỏi xem công nghệ có thật sự cải thiện cuộc sống của chúng ta không, hay chỉ là những công cụ tạo ra cảm giác tiện nghi giả tạo?
Giảm sự phụ thuộc vào công nghệ bằng cách xây dựng các kỹ năng sống căn bản và thúc đẩy sự tương tác giữa con người với con người.
Nhà nước cần xây dựng các quy định và chính sách để kiểm soát sự xâm nhập của công nghệ vào những lĩnh vực mà nó không phù hợp, chẳng hạn như giáo dục và gia đình.
“Giáo dục phải không ngừng dạy người ta cách suy nghĩ, không phải là bắt họ nghĩ như thế nào.” — Neil Postman, Building a Bridge to the 18th Century.
Nhưng còn nhiều vấn đề mà tư duy phương Tây có thể không giải quyết được
Postman nhấn mạnh vào các giá trị lý trí và sự phát triển tri thức, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo đang gia tăng, và những bất bình đẳng kinh tế này trở thành một rào cản lớn cho sự phát triển bền vững. Tác giả đúng là có kêu gọi sự quay trở lại với tư duy lý trí, nhưng nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới không có đủ điều kiện để tiếp cận với tri thức và công nghệ hiện đại. Các quốc gia đang phát triển vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề cơ bản như giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Do đó, việc chỉ kêu gọi tư duy phản biện hoặc lý trí không giải quyết được những vấn đề gốc rễ của sự nghèo đói và bất bình đẳng trong xã hội.
Trí tuệ nhân tạo đặt ra những câu hỏi mới về đạo đức, sự kiểm soát và tương lai của con người mà tư tưởng Khai sáng không hề đề cập. Khi AI phát triển đến mức vượt trội hơn con người trong nhiều lĩnh vực, tư tưởng về lý trí con người có thể trở nên lỗi thời. Các giải pháp của Postman, tập trung vào con người, không giải quyết được các vấn đề phức tạp mà AI mang lại, như sự thay thế lao động, quyền riêng tư, và an ninh dữ liệu.
Những giải pháp của Postman chủ yếu dựa trên hệ tư tưởng phương Tây và bỏ qua những quan điểm từ các nền triết học và văn hóa khác. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc chỉ áp dụng các giá trị Khai sáng có thể không đủ để giải quyết những vấn đề mang tính đa dạng về văn hóa và chính trị.
Minh triết phương Đông đang ngày càng được coi là giải pháp hữu hiệu cho tương lai của nhân loại bởi những giá trị và nguyên tắc cốt lõi của nó có khả năng giải quyết nhiều vấn đề mà xã hội hiện đại đang đối mặt, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến mất cân bằng tinh thần, môi trường, và sự hài hòa trong cuộc sống. Những giá trị này có nguồn gốc sâu xa từ văn hoá Á Đông với trọng tâm là sự cân bằng, tính toàn diện, và tính tự nhiên. Chẳng hạn, Phật giáo đưa ra khái niệm vô ngã (anatta), cho rằng con người cần nhận ra rằng cái tôi (ego) chỉ là một sự hình thành của tâm thức và không phải là một thực thể cố định. Tư tưởng này giúp con người thoát khỏi sự dính mắc vào bản ngã, từ đó bớt cạnh tranh và ghen ghét, tạo ra sự bình an và hòa hợp trong nội tâm.
Gần đây, mình cảm thấy thuyết Duyên Khởi trong Phật giáo và một số suy tư của Phương tây (như triết học của Henri Bergson) có nhiều điểm tương hợp, đặc biệt trong cách nhìn về bản chất của sự tồn tại và quá trình sáng tạo của thế gian. Cả hai triết thuyết này đều nhấn mạnh rằng thực tại không phải là một hệ thống thời gian (temps) phân chia đo lường được, mà là một dòng chảy liên tục, được gọi là Duree, hay Duyên; rất gần với tâm tư, cảm nhận của kẻ đang sống.
Triết lý phương Đông thường đề cao tinh thần, tình cảm, tâm tư và nhân tính như là trọng tâm của vũ trụ quan, xem đó là yếu tố quan trọng nhất trong việc hiểu và hòa hợp với sự tồn tại của vạn vật; nó phải là thứ được xem xét trước tiên, bao trùm lên logic, kiến thức khô khan của vật lý, toán học; thì con người mới không lạc lối. Liệu đây mới chính là giải pháp cho tất cả chúng ta, trong bối cảnh mà phương Tây cũng đang bối rối?